Có ba cách chăm sóc trẻ khỏe mạnh từ sơ sinh đến khi đến trường đó là nuôi ăn, giữ vệ sinh và chủng ngừa. Ba cách này có tính liên hoàn nên khi áp dụng phải đồng bộ. Tức áp dụng đồng thời cả ba cách chứ không được áp dụng riêng từng cách.
Kết hợp 3 cách chăm sóc trẻ để có trẻ khỏe mạnh
Một đứa trẻ khỏe mạnh, thông minh phải được chăm sóc đúng cách từ sơ sinh bằng việc nuôi ăn đủ dinh dưỡng, giữ gìn vệ sinh cá nhân cho thật tốt và và phải được tiêm chủng đầy đủ.
Cách chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ
Trước hết là phải được ăn đủ lượng và quan trọng nữa là phải cân bằng các chất dinh dưỡng cần thiết. Các thức ăn tốt nhất cho trẻ em ở mọi lứa tuổi được trình bày như sau.
- Trong 4 tháng đầu sau khi sinh, chỉ cho con bú sữa mẹ là đủ và không cần cho ăn thêm bất cứ thứ gì khác.
- Từ 4 tháng tuổi đến 1 năm tuổi: Vẫn cho bú sữa mẹ theo nhu cầu của trẻ. Ngoài ra cho ăn thêm một số thức ăn khác như bột gạo lứt, bột đậu hoặc hạt đậu nghiền nhuyễn, trứng, thịt, trái cây và rau xanh nấu chín.
- Từ 1 năm tuổi trở lên: mỗi bữa ăn phải đầy đủ các thức ăn bổ dưỡng để giúp trẻ mau lớn và bảo vệ cơ thể khỏi bệnh tật.
Thí dụ:
- Sữa và các thức ăn làm từ sữa
- Thịt heo, gà bò, chim các loại
- Cá các loại
- Các loại đậu hột tươi hay khô
- Trái cây và rau xanh
Các thức ăn này phải cân đối với các thức ăn cho nhiều năng lượng như gạo lứt, bắp, kê, khoai tây, mì sợi …
Chú ý: Trẻ ở độ tuổi từ 1 đến 3 tuổi rất dễ bị suy dinh dưỡng. Vì vậy tất cả các bậc cha mẹ cần theo dõi thật kỹ để xem con mình có dấu hiệu suy dinh dưỡng hay không. Nếu có dấu hiệu suy dinh dưỡng thì kịp thời bổ sung các loại thức ăn có độ dinh dưỡng cao.
XEM THÊM: Dinh dưỡng bé yêu -Những điều mẹ cần biết
Cách chăm sóc vệ sinh cho trẻ sạch sẽ
Nếu môi trường sống như xóm làng, khu phố, nhà cửa và bản thân đứa trẻ sạch sẽ, thì các bé sẽ khỏe mạnh. Hãy thực hiện các điều chỉ dẫn về cách giữ gìn vệ sinh được trình bày dưới đây. Đồng thời dạy cho trẻ làm và hiểu rõ tầm quan trọng của điều đó.
- Thường xuyên tắm rửa và thay quần áo cho trẻ tối thiểu ngày 1 lần.
- Dạy cho trẻ biết rửa tay, rửa mặt, súc miệng, đánh răng vào mỗi buổi sáng sau khi ngủ dạy.
- Dạy cho trẻ biết cách sử dụng cầu tiêu và rửa tay thật sạch với xà bông sau khi đi tiêu.
- Trước bữa ăn hoặc khi cầm thức ăn bằng tay, phải rửa tay thật sạch.
- Móng tay, móng chân phải thường xuyên cắt ngắn cho sạch sẽ.
- Không cho trẻ ăn nhiều bánh kẹo hoặc uống nước ngọt có ga. Nếu trẻ đòi, phải cắt nghĩa giải thích cho trẻ hiểu là những thức ăn không có lợi cho sức khỏe mà lại làm hư răng, sâu răng.
- Bắt trẻ phải mang dép, giày hoặc guốc, kiên quyết không cho trẻ đi chân đất, nhất là trẻ ở các vùng nông thôn.
- Không để trẻ đau ốm hoặc bị ghẻ lở, có chí rận ngủ chung với các trẻ khác và không để trẻ dùng chung quần áo hay khăn mặt.
- Không để trẻ mút tay hoặc cho vật bẩn vào miệng.
- Trẻ bị ghẻ hoặc giun sán và những bệnh nhiễm trùng dễ lây lan khác cần phải được chữa trị ngay.
- Chỉ cho trẻ uống nước tinh khiết hoặc nước đã nấu chín. Điều này rất quan trọng đối với trẻ dưới 2 tuổi.
Những người ở những vùng quê xa xôi, hẻo lánh ngoài những điều trên cần chú ý thêm một số vấn đề sau
- Xây cầu tiêu cho cả nhà sử dụng kể cả trẻ con. Không cho trẻ đi tiêu bừa bãi ra đất xung quanh nhà.
- Không cho trẻ chơi với chó, mèo và nhất là không bao giờ để chó liếm mặt mũi trẻ.
- Nhà có nuôi gia súc như chó, mèo, gà, heo… Không nên cho vào nhà ở, nếu cần, làm hàng rào xung quanh nhà để ngăn chặn.
Tiêm chủng đầy đủ cho trẻ
Tiêm chủng ngừa sẽ tránh cho trẻ khỏi mắc các bệnh nguy hiểm. Nên đem trẻ đến trạm y tế gần nhất để để được tiêm ngừa. Cách tiêm chủng ngừa hiệu quả nhất là khi trẻ khỏe mạnh và kịp thời. Chủng ngừa không mất tiền mà còn là cách bảo vệ sức khỏe trẻ đơn giản và đảm bảo nhất.
Đối với trẻ quan trọng nhất là một số chủng ngừa để phòng một số bệnh sau đây
Bạch hầu, ho gà, uốn ván
Muốn đảm bảo trẻ không mắc các bệnh này cần tiêm 3 lần: Lần thứ nhất khi trẻ 2 tháng tuổi. Lần thứ 2 khi trẻ được 3 tháng tuổi và lần thứ 3 là một năm sau. Tuy nhiên thời gian này có thể thay đổi tùy theo sự ấn định của bộ y tế trên toàn quốc và cũng còn tùy y tế ở địa phương. Vì vậy các bà mẹ nên thực hiện theo lịch hẹn hoặc thông tin thông báo tại địa phương nơi đang sinh sống.
Bại liệt
Để phòng bệnh bại liệt, người ta sẽ cho trẻ uống bằng cách nhỏ thuốc vào miệng liên tục trong 3 tháng, mỗi tháng một lần. Ngày, tháng nên theo lịch chủng ngừa của trạm y tế địa phương. Chú ý đừng cho trẻ bú cách 2 giờ trức và sau khi uống thuốc để thuốc phát huy tối đa hiệu quả phòng ngừa.
Lao (B.C.G)
Chỉ tiêm một mũi vào da và thường tiêm ngay vào lúc mới sinh. Nếu trong gia đình có người bệnh lao, càng tiêm cho trẻ sớm sớm chừng nào tốt chừng đó.
Sởi
Chỉ tiêm một mũi lúc trẻ 9 tháng đến 14 tháng, tùy theo từng địa phương.
Uốn ván
Chủng ngừa uốn ván rất quan trọng cho trẻ trên 12 tuổi, kể cả người lớn. Mỗi tháng tiêm một lần liên tục trong 3 tháng, sau đó 1 năm tiêm một lần, rồi cưa 10 năm tiêm nhắc một lần. Phụ nữ có thai nên tiêm phòng uốn ván để bảo vệ đứa con sơ sinh của mình khỏi bị uốn ván.
Đậu mùa
Ngày nay ít thấy chủng ngừa đậu mùa vì người ta đã khống chế được căn bệnh này. Tuy nhiên nếu y tế địa phương có thông báo, các bà mẹ cũng nên cho con mình chửng ngừa.
Viêm gan siêu vi B
Ở nước ta hiện nay ngành y tế cũng khuyến cáo các bà mẹ nên chủng ngừa viên gan siêu vi B cho con của mình. Nhất là trong nhà có người nhiễm bệnh này. Tốt nhất nên chủng ngừa bệnh này cho trẻ. Nếu tại trạm y tế chưa có lịch chủng ngừa này, các bà mẹ nên đưa con đến bệnh viện hoặc nơi nào có theo sự hướng dẫn của nhân viên y tế.
Viêm não, viêm não Nhật Bản
Đây là căn bệnh hết sức nguy hiểm, nguy co tổn hại cao. Nên cho trẻ chủng ngừa bệnh này, cách thức nên hỏi các nhân viên y tế địa phương.
Tóm lại: trên đây là một số bệnh cần phải chủng ngừa. Ngoài ra còn một số dịch bệnh khác có thể phát sinh. Do đó các mẹ nên theo sự hướng dẫn và thông báo tại trạm y tế địa phương mà chủng ngừa các loại thuốc cần thiết cho con em mình.